Cải thiện các loại thâm sạm trên da như thế nào ?
Team Obagi Support
Th 7 20/11/2021
12 phút đọc
Nội dung bài viết
Một làn da đẹp là một làn da khỏe, với cảm quan bên ngoài trước hết là tình trạng da không có nhiều mụn, tông da đều màu, kết cấu da săn chắc. Trong đó, tình trạng da không đều màu là vấn đề phổ biến khiến cho phụ nữ tự ti, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nguyên nhân gây ra hai chứng tăng sắc tố, đó là chứng Tăng sắc tố sau viêm (Post Inflammatory Hyperpigmentation - PIH) và chứng Hồng ban sau viêm (Post Inflammatory Erythema - PIE), cũng như các hoạt chất để điều trị và cải thiện từng dạng tăng sắc tố này.
I. Giới thiệu về các loại tăng sắc tố
Tăng sắc tố là một biểu hiện tại nơi đó của da có sự khác biệt về màu sắc so với xung quanh, nó có thể là một đốm nhỏ do các hạt sắc tố tạo nên, hoặc phân vùng rộng ở trên một vùng da nhất định. Nhưng chung quy thì chúng được chia thành 2 loại chính là PIH và PIE.
1. Tăng sắc tố sau viêm (Post Inflammatory Hyperpigmentation - PIH)
Nguyên nhân ban đầu được phát hiện là do sự kích hoạt bởi tia UV, sau đó là tạo ra các phản ứng viêm ở trong da, từ đó các hạt sắc tố Melanin được sản sinh ra và nhuộm các lá sừng (hay còn gọi là Keratin) nhằm bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời (chúng còn được gọi là nám). Ngoài ra cũng có thể đến từ các nốt mụn trứng cá, vì bản chất trong mụn trứng cá là hàng loạt các phản ứng viêm diễn ra, từ đó kích thích Melanocytes sản xuất ra Melanin. Đa phần chứng PIH này sẽ thường gặp ở những người có type da III – IV theo thang đó Fitzpatrick, đây là loại da của người châu Á.
Đã có nhiều bằng chứng có thể giúp giải thích PIH phát triển như thế nào. Tình trạng viêm của lớp biểu bì gây ra sự sản sinh và giải phóng các chất trung gian khác nhau có nguồn gốc tế bào sừng, bao gồm Prostaglandin, Leukotriene và Cytokine ảnh hưởng đến sự tăng sinh tế bào hắc tố và sản xuất melanin. [1]
Cơ chế của của quá trình PIH có thể được tóm gọn như sau:
Giai đoạn 1: Các tác nhân ngoài kích thích sản xuất Tyrosinase – đây là một loại enzyme kích hoạt Melanocytes (tế bào hắc tố) giúp sản sinh ra Melanin (hạt sắc tố)
Giai đoạn 2: Tyrosinase kích hoạt Melanocytes.
Giai đoạn 3: Melanocyte sản xuất Melanin và đưa vào túi Melanosome để vận chuyển lên các lá sừng.
Giai đoạn 4: Melanin được giải phóng tại các lá sừng, nhuộm các lá sừng có màu tối hơn.
Nhìn chung, các phương pháp điều trị cũng như là việc sử dụng các hoạt chất cần phải tác động vào cùng lúc 3 giai đoạn thì hiệu quả mang lại mới thật sự cao, còn tác động đơn lẻ thì hiệu quả vẫn có nhưng thời gian điều trị sẽ khá dài. Các hoạt chất sẽ được đề cập ở phần II
2. Hồng ban sau viêm (Post Inflammatory Erythema - PIE)
Mụn do kích ứng là nguyên nhân phần lớn của chứng Hồng ban sau viêm này, chúng sẽ để lại các mảng màu hồng, đỏ trên da, xuất hiện theo từng đám hoặc các chấm đơn lẻ, dễ bị nhầm tưởng với các nốt mụn. PIE có nhiều khả năng xảy ra ở những người có tông màu da sáng hơn, chẳng hạn như loại da I, II và III theo thang Fitzpatrick. PIE không cần điều trị quá lâu như PIH
Nguyên nhân của PIE được giải thích đó là do sự giãn nở, viêm hoặc tổn thương các mạch máu nhỏ được gọi là mao mạch cư trú dưới da. Quá trình giãn nở mạch máu này được cho là sự chữa lành vết thương. [2] Vì PIE là một thuật ngữ còn mới trong y học da liễu nên thật sự chúng chưa có nhiều nghiên cứu, nhưng hướng điều trị đa phần là sử dụng các hoạt chất có khả năng làm giảm viêm, giảm đi sự giãn nở của mạch máu như là Azelaic acid, Niacinamide, Tranexamic acid là chính. [3] Ngoài ra cũng phải kết hợp thêm các hoạt chất có khả năng phục hồi lại hàng rào bảo vệ da, giảm thoát nước qua da, tăng lượng acid béo như Ceramide, Cholesterol, Phospholipid,...
II. Phương pháp điều trị
1. Đối với Tăng sắc tố sau viêm (PIH)
Tác kích vào 4 giai đoạn kể trên là một biện pháp giúp điều trị PIH hiệu quả nhất.
a) Giai đoạn 1
Sử dụng các hoạt chất bảo vệ như chất chống oxy hóa, giúp trung hòa và bảo vệ khỏi các gốc tự do – tác nhân gây kích hoạt sản xuất ra Tyrosinase
Vitamin C (dạng L-Ascorbic acid): là một hoạt chất chống oxy hóa mạnh, chúng có tác dụng làm sáng da và bảo vệ khỏi tác hại từ tia UV gây ra. Các nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy rằng bản thân vit C không phải là một chất chống nắng, mặc dù việc thoa vitamin C chắc chắn làm giảm ban đỏ và cháy nắng ngay cả khi thoa sau khi ra nắng. Kiểm tra mô học xác nhận sự bảo vệ này: Điều trị với 10% Vitamin C tại chỗ làm giảm số lượng “tế bào bị cháy nắng” bất thường từ 40–60% và giảm tác hại của tia UV lên DNA tới 62%. [4]
b) Giai đoạn 2
Ức chế Tyrosinase là một biện pháp được các nhà khoa học nghiên cứu, đào sâu khá kỹ, bao gồm các hoạt chất sau:
Hydroquinone: Hoạt chất có khả năng ức chế hoàn toàn Tyrosinase, đồng thể có thể ảnh hưởng tới Melanocytes (có thể mang lại tác dụng phụ nếu như sử dụng không đúng cách). Chúng thường được sử dụng ở nồng độ 2% và 4%, tuy nhiên khi sử dụng cần phải có sự theo dõi của bác sĩ (có thể nhận biết bằng ký hiệu Rx Only ở trên nhãn) và không nên sử dụng trong thời gian quá dài.
Alpha-Arbutin: Dẫn xuất của Hydroquinone, về dạng Alpha-Arbutin này lại an toàn hơn nhiều so với Hydroquinone, nên có thể sử dụng mà không cần sự theo dõi của bác sĩ (có ký hiệu Fx trên nhãn sản phẩm). Thông thường để mang lại hiệu quả cao hơn thì chúng còn được kết hợp với L-Ascorbic acid nhằm tăng khả năng điều trị nám cho da. Nồng độ Arbutin được sử dụng khoảng 2-7%.
c) Giai đoạn 3
Ức chế sự vận chuyển của túi Melanosomes cũng là một biện pháp cắt đứt “chuyến xe” của Melanin, bao gồm các hoạt chất:
Retinoids: Bao gồm các hoạt chất như Retinol, Tretinoin,... chúng có tác dụng vừa chống lại sự vận chuyển của Melanosome, vừa ổn định sừng hóa, giúp thay mới các lá sừng bị nhuộm màu bởi Melanin. [5]
Niacinamide: Khả năng ức chế sự vận chuyển Melanosomes là khá mạnh. Một nghiên cứu cũng đã chứng minh được rằng 4% Niacinamide có tác dụng điều trị nám kém hơn Hydroquinone một chút, được thử nghiệm với 27 người tham gia trong 8 tuần. Kết quả đó là ở nhóm Niacinamide thì có tới 44% bệnh nhân đã thấy sự cải thiện; còn ở nhóm Hydroquinone thì có tới 55% bệnh nhân thấy sự cải thiện. [6]
d) Giai đoạn 4
Giải pháp của giai đoạn này đó chính là thay mới các lá sừng nhằm loại bỏ hoàn toàn lá sừng đã bị nhuộm màu bởi Melanin, chúng bao gồm các hoạt chất như AHA (Glycolic acid, Lactic acid,...) hay BHA (Salicylic acid).
2. Đối với hồng ban sau viêm (PIE)
Tập trung vào các hoạt chất giảm viêm và phục hồi hàng rào bảo vệ da là một điều cần thiết ngay lúc này đối với những bệnh nhân bị Hồng ban sau viêm
Niacinamide: Ngoài việc ngăn chặn túi Melanosome được hình thành (ở PIH), thì nó còn giúp khôi phục lại hàng rào bảo vệ da, giảm viêm khá hiệu quả. Một số bằng chứng cho thấy điều này là do thực tế là nó làm tăng mức Ceramides, acid béo tự do và Cholesterol trong lớp sừng. [7] Trong một nghiên cứu, việc sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa niacinamide hai lần mỗi ngày trong 4 tuần đã dẫn đến sự cải thiện chức năng của hàng rào lớp sừng trên khuôn mặt khi được đo bằng cách giảm sự thoát nước qua da và tăng hydrat hóa. Ngoài ra, ban đỏ trên khuôn mặt đã giảm, tương quan với sự gia tăng chức năng hàng rào. Điều này không chỉ cung cấp bằng chứng cho khả năng giảm ban đỏ của Niacinamide mà còn cho thấy ban đỏ trên mặt có thể liên quan đến khiếm khuyết hàng rào da. [3]
Vitamin C: Ngoài tác dụng chống oxy hóa, tăng sinh collagen đã được đề cập ở PIH, thì nó còn đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và điều hòa lipid và ceramide trong lớp sừng. [8] Một nghiên cứu đã xem xét hiệu quả của vitamin C trong việc giảm ban đỏ trên khuôn mặt cũng như các mạch máu và mao mạch có thể nhìn thấy được. Ban đỏ trên mặt giảm 21% sau khi bôi thuốc mỗi ngày một lần với công thức chứa vitamin C trong 6 tuần. [9]
Việc điều trị sắc tố cần phải có sự kiên trì để thấy hiệu quả rõ rệt, ngoài ra cần phải sự dụng tổ hợp các hoạt chất để mang lại hiệu quả đáng kể trên làn da. Với việc hiểu rõ nguyên nhân và xác định đúng loại tình trạng sắc tố đang mắc phải (PIH hoặc PIE) thì sẽ giúp đề ra đúng phương án để giải quyết cho làn da. Ngoài ra cũng đừng quên bảo vệ làn da bằng các loại kem chống nắng chứa chất chống oxy hóa mạnh như Vitamin C, Vitamin E dù là khi không bị tăng sắc tố đi chăng nữa, vì nó là áo giáp phòng thủ mạnh nhất để ngăn ngừa sự lão hóa luôn đấy!
Sản phẩm gợi ý
Tinh chất dưỡng trắng da OBAGI CLINICAL Vitamin C+ Arbutin Brightening Serum
Kem dưỡng đêm Obagi C Fx Therapy Night Cream
Kem dưỡng trị nám da ban đêm Obagi C Rx C- Therapy Night Cream
Kem chống nắng dưỡng sáng da OBAGI CLINICAL Vitamin C Suncare Broad Spectrum SPF 30 Sunscreen
Bộ peel tái cấu trúc nền da Obagi Clinical Blue Brilliance Triple Acid Peel
Tinh chất cấp nước phục hồi da Obagi Daily Hydro-Drops
Tài liệu tham khảo:
[1] Eimpunth, S., Wanitphadeedecha, R., & Manuskiatti, W. (2013). A focused review on acne‐induced and aesthetic procedure‐related postinflammatory hyperpigmentation in Asians. Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology, 27, 7-18.
[2] Bae-Harboe, Y. S. C., & Graber, E. M. (2013). Easy as PIE (postinflammatory erythema). The Journal of clinical and aesthetic dermatology, 6(9), 46.
[3] Draelos, Z. D., Ertel, K., & Berge, C. (2005). Niacinamide-containing facial moisturizer improves skin barrier and benefits subjects with rosacea. CUTIS-NEW YORK-, 76(2), 135.
[4] Darr, D., Combs, S., Dunston, S., Manning, T., & Pinnell, S. (1992). Topical vitamin C protects porcine skin from ultraviolet radiation‐induced damage. British Journal of Dermatology, 127(3), 247-253.
[5] Rendon, M., & Horwitz, S. (2012, December). Topical treatment of hyperpigmentation disorders. In Annales de Dermatologie et de Vénéréologie (Vol. 139, pp. S153-S158). Elsevier Masson.
[6] Navarrete-Solís, J., Castanedo-Cázares, J. P., Torres-Álvarez, B., Oros-Ovalle, C., Fuentes-Ahumada, C., González, F. J., ... & Moncada, B. (2011). A double-blind, randomized clinical trial of niacinamide 4% versus hydroquinone 4% in the treatment of melasma. Dermatology research and practice, 2011.
[7] Tanno, O., Ota, Y., Kitamura, N., Katsube, T., & Inoue, S. (2000). Nicotinamide increases biosynthesis of ceramides as well as other stratum corneum lipids to improve the epidermal permeability barrier. British Journal of Dermatology, 143(3), 524-531.
[8] https://www.jidonline.org/article/S0022-202X(15)42998-7/pdf
[9] Jaros, A., Zasada, M., Budzisz, E., Dębowska, R., Gębczyńska‐Rzepka, M., & Rotsztejn, H. (2019). Evaluation of selected skin parameters following the application of 5% vitamin C concentrate. Journal of cosmetic dermatology, 18(1), 236-241.