Điểm danh hai thành phần sáng giá hỗ trợ điều trị sẹo hiệu quả
Team Obagi Support
Th 5 28/04/2022
13 phút đọc
Nội dung bài viết
Mỗi khi làn da bị tổn thương,chẳng hạn như tai nạn hay phẫu thuật, cơ thể chúng ta sẽ tự có những cơ chế để phục hồi vết thương. Khi da lành lại, sẹo có thể hình thành, và đây được xem là một phần tự nhiên của quá trình chữa lành. Tuy nhiên, việc hình thành sẹo mang lại sự kém thẩm mỹ cho làn da chúng ta, hàng loạt phương pháp từ can thiệp xâm lấn đến thoa ngoài da được sử dụng để cải thiện vẻ ngoài của vết sẹo. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến các hoạt chất có thể thoa ngoài da tại nhà để hỗ trợ hiệu quả viẹc điều trị sẹo.
1. Nguyên nhân hình thành sẹo
Sẹo là một phần tự nhiên của quá trình chữa lành của cơ thể. Sẹo là kết quả của quá trình sinh học sửa chữa vết thương trên da và các mô khác. Hầu hết các vết thương (trừ những vết thương rất nhỏ) đều có thể để lại sẹo ở một mức độ nào đó tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của vết thương. Có 2 loại sẹo thường gặp đó là sẹo lồi và sẹo lõm
Hình 1: Phân biệt sẹo lõm và sẹo lồi
1.1. Sẹo lõm (Acne scar):
Nếu bạn bị mụn trứng cá nặng, chúng có thể để lại những vết sẹo lõm trên làn da do quá trình viêm liên tục diễn ra tại nơi đó. Có nhiều loại sẹo mụn, bao gồm sẹo đáy nhọn (ice pick scar), sẹo đáy vuông (box scar) và sẹo đáy tròn (rolling scar). Tùy thuộc vào mức độ của mụn trứng cá gây ra mà có thể để lại các loại sẹo khác nhau cho làn da.
Hình 2: Các dạng sẹo lõm thường gặp (nguồn: Internet)
Tuy nhiên để nhận biết các loại sẹo này cũng không phải là dễ dàng, do từng loại sẹo sẽ có đặc điểm sinh học tự nhiên cũng như đặc điểm vật lý riêng biệt, những thuộc tính này khi kết hợp lại với nhau sẽ cho phép sẹo mụn được chia thành 3 loại chung: icepick, boxcar và rolling. Các đặc điểm tiên quyết sau đây sẽ quyết định được chúng là loại sẹo như thế nào, bao gồm: chiều rộng, chiều sâu và cấu trúc không gian 3 chiều của chúng. Mặc dù các đặc điểm của sẹo icepick, boxcar và lăn có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng chỉ khám và được phân tích dưới các dụng cụ phân tích chuyên biệt thì mới có thể phân biệt được rõ các loại sẹo này. [1]
Hình 3: Sẹo đáy nhọn [1]
Sẹo đáy nhọn được mô tả với hình dạng có bề rộng khá là hẹp (<2 mm), chiều sâu khá là sâu, và có đường viền sắc nét, kéo dài theo chiều dọc đến lớp hạ bì sâu hoặc mô dưới da
Hình 4: Sẹo lượn sóng [1]
Sẹo lượn sóng được mô tả với dạng có bề rộng từ 4-5 mm, đối với loại sẹo này được giải thích là do có sự neo giữ bởi các sợi collagen bất thường ở lớp hạ bì dẫn đến hình dạng cuộn hoặc nhấp nhô cho lớp da bên trên. Do đó, đối với loại này cần phải có sự can thiệp như là laser hoặc cắt đáy sẹo là điều cần thiết để điều trị thành công.
Hình 5: Sẹo đáy vuông [1]
Sẹo đáy vuông được mô tả với hình dạng những chỗ lõm từ tròn đến bầu dục với các cạnh dọc được phân chia rõ ràng. Chúng có thể nông (0.1 - 0.5 mm) hoặc sâu (≥ 0.5 mm) và thường có đường kính từ 1.5 đến 4.0 mm. Sẹo box scar nông nằm trong phạm vi tiếp cận của phương pháp điều trị tái tạo bề mặt da (chẳng hạn như tái tạo bề mặt da bằng laser), nhưng sẹo box scar sâu hơn có khả năng cải thiện nếu không điều trị toàn bộ độ dày của sẹo, do đó cần phải kết hợp thêm bằng các phương pháp đường bôi để giúp tăng sinh collagen tốt hơn sau khi xâm lấn bằng laser.
1.2. Sẹo lồi (Keloid):
Những vết sẹo này là kết quả của một quá trình hồi phục quá mức (tăng sinh collagen quá mức). Chúng mở rộng ra ngoài vùng chấn thương ban đầu. Theo thời gian, vết sẹo lồi có thể cản trở việc di chuyển. Các phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật để loại bỏ vết sẹo, tiêm steroid hoặc phủ silicone để làm phẳng, cản trở sự phát triển vết sẹo lồi. Do đó, cần phải lưu ý rằng đối với loại sẹo lồi này thì không nên sử dụng các phương pháp đường bôi có chứa các hoạt chất giúp tăng sinh Collagen như Tretinoin, Peptide,...
Hình 6: Các loại sẹo lồi (nguồn: Internet)
2. Những phương pháp hỗ trợ điều trị sẹo
Như đã đề cập trên, việc điều trị sẹo lõm cần phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để đạt được hiệu quả cao. Không chỉ ở đường bôi, mà chúng ta cần phải can thiệp thẩm mỹ với các phương pháp khác nhau, như là cắt đáy sẹo, laser CO2 fractional, chấm TCA,... (tùy thuộc vào từng đặc điểm sẹo đó là gì). Trong bài viết này thì chúng ta chỉ giới hạn ở mức độ đường bôi với các hoạt chất giúp tăng sinh collagen, giảm thiểu tình trạng sẹo lõm gây ra.
2.1. Coenzyme Q10
Đây được xem là một hoạt chất chống oxy hóa khá mạnh cho làn da, tương tự vitamin C, chúng sẽ bắt lấy các gốc tự do và ngăn chặn các quá trình phá hủy collagen, từ đó giảm thiểu tác hại của gốc tự do đến tế bào, giúp làn da được phục hồi một cách nhanh chóng hơn. Không dừng ở đó, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng Coenzyme Q10 còn giúp tổng hợp Collagen trong giai đoạn làn da đang bị tổn thương, vì về cơ bản Coenzyme Q10 là giúp cho các ty thể trong tế bào sản sinh ra năng lượng để hoạt động và sửa chữa. [2]
Cần phải lưu ý rằng, Coenzyme Q10 được bôi vào ngay sau khi tạo vết thương, chính vì lẽ đó thì chúng mới mang lại hiệu quả tăng sinh collagen tốt nhất, do đó trong quá trình điều trị sẹo, khi vết thương vừa mới được hình thành (tức là sau khi nhân mụn đã được lấy ra khỏi da) thì cần phải được làm sạch và bôi trực tiếp các hoạt chất có khả năng tăng sinh Collagen cho da như Coenzyme Q10,...
2.2. Peptide
Về cơ bản, peptide là một chuỗi các acid amine được nối với nhau để tạo ra peptide. Tùy thuộc vào từng thành phần acid amine và thứ tự tổ hợp thì sẽ tạo ra các loại peptide có chức năng khác nhau.
a) Signal peptide
Một số peptide có thể kích hoạt đường truyền tín hiệu (signal). Nó được tiết ra từ chất nền ngoại bào và cũng thường được gọi là Matrixyl - chúng sẽ kích thích sự tăng sinh của Collagen, elastin, proteoglycan, glycosaminoglycan (GAG) và fibronectin, từ đó giúp phục hồi vết thương một cách nhanh chóng hơn bao giờ hết. [3] Nhóm này bao gồm các loại như là: Palmitoyl Tetrapeptide-7, Palmitoyl Tripeptide-1, Palmitoyl Tripeptide-38,...
Sự kết hợp của nhiều loại peptide khác nhau sẽ giúp chúng hoạt động cộng hưởng cùng với nhau. Một nghiên cứu cũng đã kết hợp 2 loại peptide: pal-GHK tripeptide và pal-GQPR tetrapeptide - đây là loại thường được sử dụng trong các mỹ phẩm hỗ trợ chống lão hóa với tên thương mại là Matrixyl 3000™. Trong nghiên cứu [3], họ thực hiện ngẫu nhiên với 28 tình nguyện viên sử dụng sản phẩm có chứa Matrixyl 3000™ và thoa vào phân nửa mặt của họ và so sánh với giả dược vào nửa mặt, với tần suất 2 lần/ngày và nhận thấy chúng có hiệu quả giúp cải thiện nếp nhăn, giảm độ sâu của nếp nhăn, thể tích, mật độ , độ thô ráp của da. Qua đó, nghiên cứu này cũng chứng minh được rằng với sự tổ hợp các thành phần peptide khác nhau sẽ giúp khả năng tăng sinh collagen và elastin trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết.
b) Yếu tố tăng trưởng (Growth Factors)
Đây được xem là một nhóm hoạt chất khá mới mẻ trong việc điều trị sẹo. Các yếu tố tăng trưởng này bao gồm các nhóm khác nhau, chẳng hạn như yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF) và yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi (FGF), yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu (PDGF), yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF), đóng vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương cũng như là trong quá trình điều trị sẹo. Và một trong những yếu tố được chú trọng nhất để điều trị sẹo đó chính là EGF và FGF.
EGF là một trong những protein yếu tố tăng trưởng quan trọng nhất trong da của chúng ta, nó đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất collagen, elastin và Hyaluronic acid để duy trì vẻ ngoài khỏe mạnh . Nếu chúng ta tưởng tượng làn da của một em bé, nó rất dày và căng mọng, bởi vì nó chứa đầy EGF. Nhưng khi chúng ta đến tuổi 20, việc sản xuất EGF đã giảm dần. Kết quả là, quá trình thay đổi và phục hồi tế bào chậm lại, cuối cùng ảnh hưởng đến vẻ ngoài, như là da bắt đầu chảy xệ, và các nếp nhăn xuất hiện, tốc độ phục hồi chậm hơn. Thông thường, những loại này được biến đổi để trở thành các loại peptide đơn giản hơn và thường được biết đến như là sh-Oligopeptide-1,... [4]
Ngoài ra, FGF là một yếu tố tăng trưởng đại diện đã cho thấy những tác động tiềm tàng đối với việc sửa chữa và tái tạo các mô [5]. Ban đầu nó được xác định là một loại protein có khả năng thúc đẩy sự tăng sinh nguyên bào sợi và hiện được biết là bao gồm 22 amino acid. Với các chức năng sinh học tiềm năng của chúng, FGFs đã được sử dụng để tái tạo các mô bị tổn thương, bao gồm da, mạch máu, cơ, mỡ, gân / dây chằng, sụn, xương, răng và dây thần kinh, và cho đến hiện nay, chúng được áp dụng trong việc điều trị sẹo, bởi vì nó thúc đẩy khả năng tổng hợp collagen cho da.
Có thể thấy, điều trị sẹo lõm do mụn để lại cần phải tổ hợp nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào mức độ sẹo đang mắc phải mà có thể dùng phương pháp đường bôi đơn giản, hoặc thậm chí có thể là xâm lấn như lăn kim, cắt đáy sẹo, chấm TCA, laser CO2,...
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng để đạt được hiệu quả cao nhất khi sử dụng các sản phẩm trị sẹo, cần phải sử dụng chúng ngay lúc vết thương vừa được hình thành (tức là sau khi nhân mụn đã được đào thải hoàn toàn ra khỏi làn da), từ đó các hoạt chất mới có thể tác động một cách mạnh mẽ. Không nên để một thời gian lâu và sử dụng, vì khi đó sẹo đã được phủ bởi lớp sừng và các sợi collagen dưới hạ bì đã được hình thành để tạo ra mô sẹo, từ đó các hoạt chất đường bôi không còn hiệu quả để cải thiện đủ sâu xuống tầng hạ bì.
IV. Sản phẩm gợi ý
Serum chống lão hóa cho da nhạy cảm chứa vitamin C Obagi Professional-C Peptide Complex
Serum phục hồi da tổn thương OBAGI CLINICAL Kinetin+ Rejuvenating Serum
Kem dưỡng phục hồi làm dịu da OBAGI CLINICAL Kinetin+ Hydrating Cream
Tài liệu tham khảo
[1] Jacob, C. I., Dover, J. S., & Kaminer, M. S. (2001). Acne scarring: a classification system and review of treatment options. Journal of the American Academy of Dermatology, 45(1), 109-117.
[2] Yoneda, T., Tomofuji, T., Kawabata, Y., Ekuni, D., Azuma, T., Kataoka, K., ... & Morita, M. (2014). Application of coenzyme Q10 for accelerating soft tissue wound healing after tooth extraction in rats. Nutrients, 6(12), 5756-5769.
[3] Schagen, S. K. (2017). Topical peptide treatments with effective anti-aging results. Cosmetics, 4(2), 16.
[4] Shin, J. U., Kang, S. W., Jeong, J. J., Nam, K. H., Chung, W. Y., & Lee, J. H. (2015). Effect of recombinant human epidermal growth factor on cutaneous scar quality in thyroidectomy patients. Journal of Dermatological Treatment, 26(2), 159-164.
[5] Moya, M. L., Cheng, M. H., Huang, J. J., Francis-Sedlak, M. E., Kao, S. W., Opara, E. C., & Brey, E. M. (2010). The effect of FGF-1 loaded alginate microbeads on neovascularization and adipogenesis in a vascular pedicle model of adipose tissue engineering. Biomaterials, 31(10), 2816-2826.