
Mức Độ Tổn Thương Da Sau Xâm Lấn Và Biện Pháp Khắc Phục
Team Obagi Support
Th 6 22/07/2022
20 phút đọc
Nội dung bài viết
Các phương pháp làm đẹp xâm lấn ngày càng phổ biến và được ưa chuộng nhờ khả năng giải quyết các vấn đề trên da một cách nhanh chóng bằng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, nếu không có kiến thức trong việc thực hiện và chăm sóc phù hợp, sự can thiệp sâu trên da sẽ dẫn đến nhiều biến chứng ngoài mong muốn. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các mức độ tổn thương da sau xâm lấn, cũng như đề ra hướng dẫn chi tiết các phương pháp chăm sóc da sau xâm lấn an toàn và hiệu quả.
I. Trẻ hóa làn da bằng các phương pháp thẩm mỹ xâm lấn
1. Các phương pháp xâm lấn
1.1. Peel da (BHA/AHA/TCA)
Peel da được sử dụng để điều trị một số tình trạng da nhất định hoặc để cải thiện vẻ ngoài, theo đó thì acid nồng độ cao sẽ làm bong tróc lớp sừng, từ đó giúp thay mới bề mặt và tông màu của da. Đây là kỹ thuật dùng hoá chất để phá huỷ các lớp tế bào ngoài cùng bị hư hỏng của da, lớp da này sẽ được tái tạo mới từ các tế bào đáy ở thượng bì hoặc trung bì. Phương pháp peel da sẽ rất có ý nghĩa đối với những bệnh nhân đang mắc phải tình trạng dày sừng, hoặc sử dụng các sản phẩm BHA, Retinol trong thời gian dài mà chưa thấy sự chuyển biến như kết quả mong muốn.
Đây là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất có thể dùng để làm đẹp và trẻ hoá da cùng như điều trị các vấn đề về da như thâm, nám, sẹo rỗ, mụn.. Tùy theo tình trạng da gặp phải mà lựa chọn độ sâu của lớp da bị ăn mòn, người ta chia lột da hoá học ra làm ba mức: lột nông (nhẹ), lột vừa (trung bình), lột sâu.
1.2. Laser (Công Nghệ Ly Quang Nhiệt Vi Điểm)
Laser là công nghệ sử dụng bước sóng có năng lượng cao giúp loại bỏ nhiều vùng cực nhỏ (vi điểm) trên da. Có 2 loại laser thường được áp dụng trong điều trị sẹo là laser vi điểm xâm lấn và laser vi điểm không xâm lấn. Laser vi điểm xâm lấn sẽ gây nhiệt và bốc hơi từ nhiệt ở những vùng da cực nhỏ trong khi laser vi điểm không xâm lấn tạo thành các cột nhiệt trong da và không bốc hơi.
Cơ chế chung là các tổn thương nhiệt kéo dài từ thượng bì đến lớp bì trên, những vùng da nguyên vẹn xung quanh sẽ hỗ trợ thúc đẩy quá trình lành vết thương thông qua việc đẩy những mảnh hoại tử ra khỏi da. Lớp sừng có thể được loại bỏ nhiều hay ít tùy thuộc vào việc cài đặt mức năng lượng. Kết quả giúp làn da tăng sinh collagen, giảm nếp nhăn và cải thiện tông màu và độ săn chắc [1].
1.3. Dermabrasion/Microdermabrasion (Vi Mài Da và Mài Da)
Phương pháp mài da (Dermabrasion) và mài da vi điểm (Microdermabrasion) là các kỹ thuật tái tạo bề mặt da, được tiến hành bằng cách sử dụng một dụng cụ mài cầm tay để loại bỏ các lớp của thượng bì. Quá trình lột da vật lý này sẽ gây tổn thương da, sau đó sẽ khởi phát các giai đoạn của quá trình lành vết thương [2]. Nhờ quá trình mài sẹo lõm và gây viêm, tái tạo thượng bì, tạo mô xơ, và tái tổ chức collagen mà bề mặt sẹo có thể được cải thiện.
Cả hai kỹ thuật đều đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị sẹo và tạo ra những cải thiện đáng kể về mặt lâm sàng cho vẻ ngoài của da.
Dụng cụ mài da xoay theo chiều kim đồng hồ và di chuyển thiết bị mài qua da từ trái sang phải (Nguồn: Dermabrasion and microdermabrasion của Lora Alkhawam)
Dụng cụ vi mài da tiếp xúc với da, tách các tế bào biểu bì trên và các mảnh vụn của da (Nguồn: Dermabrasion and microdermabrasion của Lora Alkhawam)
1.4. Needling (Lăn Kim)
Lăn kim (Dermaroller) hay còn gọi là phi kim vi điểm. Là liệu pháp sử dụng các con lăn có gắn khoảng 150-200 đầu kim có kích thước siêu nhỏ từ 0.5mm - 2.5mm, lăn liên tục trên bề mặt da tạo để gây ra nhiều tổn thương nhỏ khi đầu kim đâm xuyên qua đến lớp bì. Tổn thương này ở lớp bì sẽ gây ra sự giải phóng các yếu tố tăng trưởng, những chất này sẽ kích thích sản xuất collagen và elastin mới trong lớp bì nông [3].
Dạng còn lại là lăn kim RF (hay còn gọi là lăn kim siêu vi điểm), giúp tạo ra những vùng tổn thương nhiệt mà không gây tổn thương lớp bì. Độ sâu của kim có thể được điều chỉnh từ 0.5 đến 3.5 mm dựa vào độ sâu của thương tổn. Do lớp thượng bì được bảo tồn, quá trình lành da diễn ra nhanh hơn và ít nguy cơ bị tăng sắc tố sau viêm hơn so với lăn kim thông thường, chính vì điều đó cũng mang lại kết quả kém hơn so với lăn kim thông thương [4].
Hình ảnh trước và sau quá trình điều trị lăn kim (nguồn: Acne Scars: Pathogenesis, Classification and Treatment, 2010)
1.5. Platelet Rich Plasma - PRP (Huyết Tương Giàu Tiểu Cầu)
Liệu pháp PRP được tin tưởng sử dụng rộng rãi trong các chuyên khoa da liễu để điều trị sẹo và làm đầy thể tích da. Biến chứng khi làm PRP được chỉ ra là rất ít [5].
PRP (huyết tương giàu tiểu cầu) là phần huyết tương tự thân cô đặc chứa tiểu cầu và đầy đủ các yếu tố tăng trưởng, chemokines, và các cytokines.
Máu của chính bệnh nhân sẽ được lấy ra, sau đó quay ly tâm và sử dụng phần PRP. Các tế bào tiểu cầu trong PRP sản xuất rất nhiều yếu tố tăng trưởng khác nhau như yếu tố tăng trưởng thượng bì (EGF), yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi cơ bản (FGF), yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF), yếu tố tăng trưởng chuyển dạng (TGF), yếu tố tăng trưởng nguồn gốc tiểu cầu (PDGF).
PRP có thể được thoa lên da khi kết hợp với các thủ thuật xâm lấn khác như laser, lăn kim hay bóc tách sẹo, hoặc có thể tiêm trực tiếp dưới da.
1.6. Tiêm Mesotherapy
Mesotherapy là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu giúp làm căng bóng da và nâng cơ giúp điều trị đa dạng các tổn thương và lão hóa. Mesotherapy hoạt động thông qua nguyên lý đưa các thành phần dưỡng chất trực tiếp vào tầng trung bì của da. Thông qua đó, kích thích khả năng tự làm lành của làn da đồng thời đưa các thành phần thuốc được cho là có lợi vào các hoạt động chức năng của tế bào da, giúp cho quá trình tăng sinh tự nhiên của các khối mô biểu bì, mô liên kết, kích thích lưu dẫn tĩnh mạch, tăng cường tuần hoàn trao đổi chất ngay trong da.
Hỗn hợp Mesotherapy được lựa chọn nghiêm khắc bao gồm thành phần bổ sung nước, giữ ẩm cho da với hàm lượng vitamin cao có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường DNA và các yếu tố tăng trưởng giúp tái tạo tế bào (các dưỡng chất cần thiết cho da như Vitamin E,C, Collagen, Elastin, Acid Hyaluronic…)
Công nghệ Mesotherapy sử dụng những đầu kim siêu nhỏ, rất mỏng và xâm lấn thuốc vào da ở độ sâu vừa phải. Vì vậy, quá trình thực hiện không gây tổn thương trên da, hẹn chế tối đa xâm lấn đến các mô lân cận và đặc biệt là không gây đau đớn, không sưng bầm và không để lại sẹo sau thẩm mỹ.
2. Tổn thương thường gặp sau xâm lấn
2.1. Đỏ/ rát da, viêm/nhiễm trùng vết thương và tình trạng tăng sắc tố sau viêm
Tất cả các tia laser vi điểm xâm lấn đều cho thấy nguy cơ biến chứng và tác dụng phụ cao, có thể được phân loại thành ngắn hạn (nhiễm trùng do vi khuẩn, herpes hoặc nấm) và dài hạn (ban đỏ dai dẳng, tăng sắc tố, sẹo). Dermabrasion được thực hiện bởi dụng cụ gồm có đầu là một bàn chải sắt hoặc một khung kim cương có động cơ quay. Tác động này sẽ tạo một vết chảy máu nhỏ ở vết thương thô và tự khỏi khi được chăm sóc thích hợp. Có thể sẽ bị tăng sắc tố sau viêm.
Tương tự ở phương pháp vi mài da, sử dụng thiết bị có 2 chức năng chính là hút áp lực (giúp tăng lực tiếp xúc giữa da và bộ phân mài) và bộ phận mài (chứa các tinh thể aluminum oxide góc cạnh sắc nhọn). Phương pháp này không đau, không cần gây mê và ít biến chứng hơn, nhưng nó cũng có tác dụng thấp hơn và không điều trị sẹo sâu [6].
Peel da mặc dù là một phương pháp xâm lấn tối thiểu nhưng trong đó số ít vẫn có thể xảy ra các biến chứng không mong muốn liên quan đến mức độ, loại da, hóa chất và cảm giác trên da. Đặc biệt peel da thường được làm tại nhà nên dễ chăm sóc không tốt gây nhiễm trùng, viêm đỏ.
Không giống như những kĩ thuật tái tạo bề mặt khác, lăn kim gây tổn thương đến lớp bì mà không loại bỏ hoàn toàn lớp thượng bì khỏe mạnh phía trên nên có ít biến chứng cũng như ít tăng sắc tố sau viêm hơn so với phương pháp peel da hoá học và mài da. Kết quả có thể thấy sau 6 tuần nhưng hiệu quả rõ có thể mất ít nhất ba tháng, vì quá trình lắng đọng collagen mới diễn ra từ từ, kết cấu da sẽ tiếp tục cải thiện trong khoảng thời gian 12 tháng [7].
2.2. Sẹo sau xâm lấn
Sẹo là sự thay thế một vùng mô xơ cho mô bình thường bị phá huỷ sau một chấn thương hoặc một bệnh lý, hay nói cách khác, sẹo chính là kết quả của quá trình sinh học sửa chữa vết thương trên da, cũng như ở các cơ quan và mô khác của cơ thể [8]. Vì thế, sẹo được coi là một phần tự nhiên của cơ chế chữa lành.
Sẹo lồi có thể là do tăng sinh mô quá mức và Sẹo lõm do mất và tổn thương mô tại chỗ [9].
Sẹo lõm thực ra là hậu quả của quá trình viêm sâu. Tuỳ thuộc vào độ viêm và sâu mà có thể tạo ra các cấp độ sẹo khác nhau.
Sẹo thường hình thành thông qua các pha cụ thể của các giai đoạn lành vết thương: giai đoạn viêm, tạo hạt, và tái tổ chức. Tổn thương ở hạ bì sẽ làm tăng hoặc giảm thể tích mô da và thường làm xấu hình thái của da. Ngược lại, tổn thương nếu chỉ giới hạn ở thượng bì hoặc lớp bì nhú thì có thể lành mà không để lại sẹo. Vậy nên chăm sóc sau xâm lấn thực sự rất quan trọng nếu không muốn làn da hình thành sẹo.
3. Các phương pháp khắc phục tổn thương
3.1. Làm giảm triệu chứng: Đơn giản hóa routine (trong khoảng 2 tuần sau xâm lấn)
Sau khi xâm lấn, hàng rào bảo vệ da đã bị tổn thương khá nặng, khi này sự mất nước qua biểu bì (TEWL) khá lớn, đồng thời còn xuất hiện thêm quá trình viêm có mủ nhưng vô khuẩn (nếu dùng phương pháp peel da hoặc xâm lấn đến trung bì).
Cần phải làm sạch nhẹ nhàng từ 2-3 ngày sau khi peel bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, có thể là nước muối sinh lý và Povidone.
Sau 2-3 ngày, bệnh nhân nên bôi các loại kem dưỡng ẩm có chứa Kinetin, Ceramide nhằm tăng tốc độ phục hồi, ngăn sự thoát hơi nước qua biểu bì giúp tăng tốc độ phục hồi hơn. Đồng thời có thể sử dụng xịt khoáng cấp ẩm tức thời cho da suốt cả ngày.
Ngoài ra, cần phải bảo vệ da bằng kem chống nắng với chỉ số SPF 30 trở lên.
3.2. Cung cấp độ ẩm và phục hồi hàng rào bảo vệ da
Sau 1-2 tuần, khi các lớp sừng trên da đã được bong ra hoàn toàn, bệnh nhân có thể quay trở lại sử dụng các hoạt chất giúp tăng sinh collagen cho da như Retinol, Vitamin C, Niacinamide, và cũng không quên các bước giữ ẩm bằng Kinetin, Ceramide, hoặc các loại peptide, hay Squalane,... để mau chóng lấy lại hàng rào bảo vệ da một cách nhanh nhất.
Phục hồi hàng rào bảo vệ da với Peptide / Ceramide
"Ceramides là các phân tử béo tạo nên hàng rào bảo vệ da tự nhiên và giúp giữ ẩm. Cụ thể, ceramides đóng vai trò như chất keo giúp giữ các tế bào da lại với nhau." Chính sự toàn vẹn của các thành phần tế bào này quyết định chức năng hàng rào. Nghiên cứu cho thấy rằng khi bôi tại chỗ, phytoceramides cải thiện đáng kể tốc độ sửa chữa lớp sừng bị tổn thương (lớp da trên cùng). Các sản phẩm có chứa pseudo-ceramides có thể giúp cải thiện tình trạng khô, ngứa và đóng vảy do hàng rào hoạt động kém. Chất dưỡng ẩm giàu ceramide cũng có thể tăng cường tính toàn vẹn của cấu trúc hàng rào bảo vệ da tự nhiên.
Tương tự Ceramide, cơ chế của Peptide - một amino acid tự nhiên của cơ thể, cũng giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da nhờ khả năng giao tiếp tế bào, khả năng điều hòa protein, tăng sinh tế bào, di cư, viêm, hình thành mạch và hắc tố, dẫn đến nhiều quá trình sinh lý có liên quan ví dụ như phòng thủ, miễn dịch cơ thể, stress, trăng trường, cần bằng nội môi và sinh sản [8,9]. Theo bác sĩ da liễu Dr.Dray: peptide là một chất giữ ẩm tốt, nó có thể liên kết với nước và giữ nước đủ ẩm trên da, từ đó duy trì độ tươi mới và cải thiện vẻ ngoài của lỗ chân lông, giảm hình thành rãnh nhăn.
- Một số thành phần đắt giá khác như Panthenol, Urea và Kinetin.
Panthenol [10]: là một chất hóa học được tạo ra từ axit pantothenic , còn được gọi là vitamin B-5. Panthenol thường sử dụng như một loại kem dưỡng ẩm với vai trò là chất làm mềm, làm dịu và chống kích ứng, ngăn mất nước qua da và đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương. Panthenol cũng dùng để điều trị vết côn trùng cắn, vết thương nhỏ, chàm và hăm tã.
Urea [11]: thường có trong các sản phẩm chăm sóc da nhờ khả năng giữ ẩm và tẩy tế bào chết. Nghiên cứu đã chứng minh rằng da khô có thể được điều trị thành công bằng các loại kem có chứa urea giúp giữ cho da ẩm bằng cách kéo nước từ các lớp sâu hơn của da và không khí giữ chúng trên da, ngăn tình trạng mất nước.
Kinetin [12,13]: là một hợp chất có nguồn gốc thực vật, được sử dụng trong các loại kem bôi ngoài da để kiểm soát các tổn thương và lão hóa trên khuôn mặt. Kinetin đã được chứng minh có khả năng: chống oxy hóa, loại bỏ gốc tự do trong da; bảo vệ chức năng hàng rào bảo vệ da chống lại tác hại do tia UV gây ra; tăng cường độ ẩm cho lớp sừng trên da; tăng cường hiệu ứng hydrat hóa cho các lớp sâu hơn của da.
- Hạn chế sẹo thâm bằng các hoạt chất tăng sinh collagen.
Định nghĩa và cơ chế hình thành sẹo giúp lựa chọn các chất bôi ngoài da mục tiêu nhắm vào những con đường hình thành sẹo (có tác dụng kích thích sản sinh collagen từ các nguyên bào sợi và làm giảm lượng matrix MMP1 được cho là hiệu quả trong việc điều trị sẹo). Điển hình có thể nhắc tới các họ Retinoid, AHAs và Vitamin C.
Tretinoin và Glycolic Acid
Sự kết hợp giữa Tretinoin/Retinol và AHAs đã được chứng minh là hiệu quả trong việc điều trị thâm và sẹo sau mụn [14].
Trong nghiên cứu kết hợp giữa Retinoic acid (0.025%) và AHA (12%) trong 12 tuần đã có sự cải thiện đáng kể về sẹo mụn có thể quan sát được ở 91,4% bệnh nhân.
Sự kết hợp của hai hoạt chất cho thấy hiệu quả trong điều trị sẹo mụn ở phần lớn bệnh nhân, giảm thiểu sự cần thiết phải điều trị xâm lấn đối với sẹo mụn.
Vitamin C
Ngoài chức năng chống oxy hóa, cho đến hiện nay thì duy nhất chỉ có vitamin C là kiêm luôn khả năng tổng hợp collagen ở trên da. Vitamin C cần thiết cho quá trình sinh tổng hợp collagen. Người ta đã đề xuất rằng Vitamin C ảnh hưởng đến tổng hợp collagen định lượng ngoài việc kích thích những thay đổi về chất trong phân tử collagen. [15] Vitamin C đóng vai trò là đồng yếu tố cho các enzyme prolysyl và lysyl hydroxylase, các enzyme chịu trách nhiệm ổn định và liên kết ngang các phân tử collagen.
Thí nghiệm [16] so sánh nguyên bào sợi của trẻ sơ sinh với người già có độ tuổi cao, khoảng 80 - 90 tuổi. Ban đầu, nguyên bào sợi của người già trong ống nghiệm tăng sinh chỉ bằng 1/5 so với tế bào của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, khi bổ sung vitamin C thì các tế bào của người già thực sự tăng sinh mạnh hơn so với các nguyên bào sợi của trẻ sơ sinh bình thường. Ngay cả các nguyên bào sợi ở trẻ sơ sinh cũng tăng cường sự tăng sinh gấp 4 lần so với ban đầu khi tiếp xúc với vitamin C. Đây có lẽ là một minh chứng thiết thực nhất cho việc sử dụng Vitamin C giúp da trường sinh bất lão đấy!
Thử nghiệm L-Ascorbic acid trên 2 người cao tuổi khác nhau, kết quả cho thấy rằng nếp nhăn được giảm thiểu một cách rõ rệt, đồng thời còn cải thiện cả đốm sắc tố ở trên da [16]
SẢN PHẨM GỢI Ý
1. Kem điều trị mụn, chống lão hoá, giảm thiểu nếp nhăn Obagi với nhiều nồng độ Obagi
2. Serum chống lão hóa cho da nhạy cảm chứa vitamin C Obagi Professional-C Peptide Complex
Nguồn tham khảo:
Nelson S. An introduction to laser and laser-tissue interactions in dermatology. In: Kauvar ANB, editor. Principles and Practices in Cutaneous Laser Surgery. Boca Raton, Fla, USA: Taylor and Francis Group; 2005.
Alkhawam L, Alam M. Dermabrasion and microdermabrasion. Facial Plast Surg. 2009 Dec;25(5):301-10.
Fernandes D. Minimally invasive percutaneous collagen induction. Oral Maxillofac Surg Clin North Am. 2005 Feb;17(1):51-63.
Byalekere Shivanna Chandrashekar. Evaluation of Microneedling Fractional Radiofrequency Device for Treatment of Acne Scars.J Cutan Aesthet Surg. 2014 Apr-Jun; 7(2): 93–97.
Jason Emer. Platelet-Rich Plasma (PRP): Current Applications in Dermatology. Skin Therapy Lett. 2019 Sep;24(5):1-6.
Lloyd JR. The use of microdermabrasion for acne: a pilot study. Dermatol Surg. 2001 Apr;27(4):329-31
Gabriella Fabbrocini, M. C. Annunziata, V. D'Arco. Acne Scars: Pathogenesis, Classification and Treatment. Dermatol Res Pract. 2010;2010:893080
Schagen, S. K. (2017). Topical peptide treatments with effective anti-aging results. Cosmetics, 4(2), 16.
Gorouhi, F., & Maibach, H. I. (2009). Role of topical peptides in preventing or treating aged skin. International journal of cosmetic science, 31(5), 327-345.
National Center for Biotechnology Information (2021). PubChem Compound Summary for CID 4678, Panthenol.
Parker, J., Scharfbillig, R., & Jones, S. (2017). Moisturisers for the treatment of foot xerosis: a systematic review. Journal of foot and ankle research, 10, 9. https://doi.org/10.1186/s13047-017-0190-9
Wanitphakdeedecha R, Meeprathom W, Manuskiatti W. Efficacy and safety of 0.1% kinetin cream in the treatment of photoaging skin. Indian J Dermatol Venereol Leprol. 2015;81(5):547.
Campos P, de C, de A, Gaspar L. Efficacy of cosmetic formulations containing dispersion of liposome with magnesium ascorbyl phosphate, alpha-lipoic acid and kinetin. Photochem Photobiol. 2012;88(3):748-752.
BS Chandrashekar, KR Ashwini, Vani Vasanth, and Shreya Navale “Retinoic acid and glycolic acid combination in the treatment of acne scars” Indian Dermatol Online J. 2015 Mar-Apr.
Telang, P. S. (2013). Vitamin C in dermatology. Indian dermatology online journal, 4(2), 143.
Phillips, C. L., Combs, S. B., & Pinnell, S. R. (1994). Effects of ascorbic acid on proliferation and collagen synthesis in relation to the donor age of human dermal fibroblasts. Journal of investigative dermatology, 103(2), 228-232.