HOTLINE SHOP OBAGI MEDICAL VIETNAM: 028.3622.5532
Hiệu quả của Hydroxy Acids trong điều trị mụn và thâm mụn

Hiệu quả của Hydroxy Acids trong điều trị mụn và thâm mụn

Team Obagi Support
Th 7 04/09/2021 13 phút đọc
Nội dung bài viết

Trong các loại hoạt chất ứng dụng trong ngành dược mỹ phẩm, nhóm Hydroxy Acids đóng một vai trò rất quan trọng. Đại diện tiêu biểu của nhóm này có thể kể đến Salicylic Acid, Glycolic Acid, gần đây còn có thêm Polyhydroxy Acid dành được thêm nhiều sự chú ý của cộng đồng yêu chăm sóc da. Bên cạnh lợi ích nổi bật giúp tẩy da chết và làm sạch làn da, Hydroxy Acids còn thể hiện những vai trò đa nhiệm như chống oxy hoá, kháng viêm, giữ ẩm, kích thích quá trình tổng hợp collagen và đặc biệt là các vấn đề liên quan đến mụn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về hiệu quả của Hydroxy Acid trong điều trị mụn và thâm mụn.  

1. Giới Thiệu về Hydroxy acid

Hydroxy Acids (HAs) là các carboxylic acid hữu cơ có một nhóm hydroxyl (OH) gắn vào một vị trí đặc thù (ví dụ: α, β ) của nhóm cacboxyl (COOH). HAs đã ảnh hưởng đáng kể đến việc chăm sóc da khi chúng được đưa vào ngành da liễu từ nhiều thập kỷ qua. Kể từ khi được đưa vào các công thức mỹ phẩm, chúng đã được sử dụng để điều trị mụn trứng cá, dày sừng, tăng sắc tố, và một số rối loạn khác trên da. Với khả năng mang lại hiệu quả điều trị đáng kinh ngạc, HAs đã dần dần được thêm vào nhiều loại mỹ phẩm để sử dụng và duy trì hàng ngày. Hiện nay, glycolic acid và Salicylic acid là những HAs được sử dụng phổ biến nhất trong mỹ phẩm. 

Sự sừng hóa bất thường là một vấn đề cơ bản liên quan đến phần lớn các bệnh da liễu. Một trong những tác dụng có lợi được trích dẫn nhiều nhất của HAs là cải thiện những bất thường đó. Dựa trên cấu trúc và chức năng của chúng, HAs có thể được phân loại thành α-HAs, β-HAs, salicylic acid (SA) và các dẫn xuất của nó. Đại diện phổ biến nhất của α-HAs là glycolic acid, là một trong những HAs đầu tiên được đưa vào các công thức mỹ phẩm.

Các đại diện của β-HAs là hydroxybutanoic acid, tropic acid, malic acid và citric acid. Citric acid hiện được sử dụng rộng rãi trong các công thức mỹ phẩm khác như sữa rửa mặt cho da dầu mụn, kem chống lão hoá....Có một điều thú vị ở đây rằng, citric acid chứa một nhóm hydroxyl và ba nhóm cacboxyl nên nó vừa là α-HAs với một nhóm cacboxyl vừa là β-HAs với hai nhóm cacboxyl khác (Malic acid cũng tương tự thế).

Polyhydroxy acids (PHAs) và polyhydroxy bionic acids (PHBA) là những thế hệ mới xuất hiện gần đây hơn trong lĩnh vực mỹ phẩm. Chúng còn khá là mới mẻ và hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho da. 

Hình ảnh cấu trúc của một vài Hydroxy Acids thông dụng

2. Hoạt Tính Sinh Học của Hydroxy Acids

Một trong những khía cạnh để đánh giá tính hiệu quả sinh học của hydroxy acid là thông qua đặc tính hoá lý. Đặc tính hóa lý này được đo bằng sự phân ly proton trong dung dịch, cụ thể là được biểu thị bằng chỉ số pKa của nó. PKa của một hydroxy acid càng thấp thì độ mạnh acid của nó càng mạnh. Chỉ số pKa còn cho biết độ pH cần phải là bao nhiêu để một hoạt chất hoạt động tối ưu nhất. Do đó, các công thức có cùng nồng độ acid nhưng ở độ pH gần với pKa sẽ giúp tẩy da chết hiệu quả hơn đáng kể so với các công thức có độ  pH bất kỳ nào lớn hơn đáng kể so với pKa.

Các Hydroxy acid đều gây ra những tác động trực tiếp  lên lớp sừng của da. Nhưng trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến hai hoạt chất phổ biến nhất là salicylic acid và glycolic acid với những tác động tích cực lên nguyên nhân hình thành mụn và tăng sắc tố sau mụn (thâm mụn). Hầu hết các tác dụng trên không chỉ phụ thuộc vào pH mà còn một phần phụ thuộc vào cả nồng độ của hydroxy acid. Nồng độ sử dụng của hydroxy acid có thể trải dài từ 0.5% đến 70% tuỳ thuộc vào loại acid, cụ thể hơn, ở salicylic acid là 0.5 - 2% và glycolic acid là 5-12%, được áp dụng rộng rãi trong các sản phẩm chăm sóc da hàng ngày.

3. Salicylic acid (SA)

Salicylic Acid là một loại acid làm sạch mang tính "biểu tượng" với những ai quan tâm đến chăm sóc da khoa học

Về mặt hóa học, SA là 2-hydroxybenzoic acid hoặc orthohydroxybenzoic acid. SA có thể được chiết xuất từ vỏ cây liễu hoặc cũng có thể dễ dàng tổng hợp trong phòng thí nghiệm.

SA lúc đầu  được mô tả là một β-HAs (theo nghiên cứu của Kligman). Nhưng về sau dựa vào các đặc tính hoá học, như đặc điểm cấu tạo, tính acid của nhóm hydroxyl, mà Yu và Van Scott đã phân loại lại thành một nhóm riêng biệt.

SA là một chất hòa tan trong lipid, có chỉ số pKa là ~2.98 cùng kích thước phân tử nhỏ, do đó có thể trộn lẫn với các lipid biểu bì và lipid tuyến bã nhờn trong nang lông một cách dễ dàng. Đây được xem là một đặc tính nổi trội mà hiếm khi hoạt chất nào có được. Nó cũng là ưu điểm mà giúp SA được áp dụng rộng rãi cho những nền da dầu.

a. Tẩy tế bào chết

Ở lớp đầu tiên của thượng bì, các tế bào sừng được liên kết với nhau nhờ vào liên kết desmosome. SA sẽ hoạt động bằng cách loại bỏ các lipid gian bào được liên kết cộng hóa trị với lớp vỏ hóa trị bao quanh các tế bào biểu mô bề mặt, từ đó nới lỏng các liên kết giữa các tế bào sừng và tách rời chúng ra. SA chỉ phá vỡ các cầu nối tế bào sừng (các tế bào đã bị chết nhân)  mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào nguyên vẹn, chính vì đặc điểm đó mà SA chỉ làm mỏng đi lớp sừng mà không làm ảnh hưởng đến độ dày của biểu bì (tức là không làm mỏng da).

b. Điều trị mụn

SA có đặc tính keratolytic (giúp điều chỉnh sự bong tróc bất thường của tế bào sừng) và phân giải mụn trứng cá, đồng thời thể hiện đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. SA cũng làm giảm bài tiết chất nhờn ở những bệnh nhân bị mụn trứng cá, chính những đặc điểm này đã làm tăng thêm tính hiệu quả điều trị của nó ở những bệnh nhân gặp phải tình trạng mụn trứng cá.

4. Glycolic acid (GA)

Glycolic acid là một hợp chất trong nhóm α-HAs (AHA). Đa số các α-HAs đều có thể được chiết xuất từ trái cây, cụ thể là GA thu được từ cây mía.

​​GA có trọng lượng phân tử nhỏ nhất trong nhóm α-HAs và chỉ số pKa là ~3.83. Nhờ vào điều đó mà nó thâm nhập vào da dễ dàng, làm cho nó trở thành một chất tẩy da chết hiệu quả, thậm chí còn được ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm lột da hoá học (chemical peel)

Khác với SA, GA có khả năng giữ nước và dưỡng ẩm cho da nhờ vào liên kết hydro trong công thức hoá học. Hơn thế nữa, đặc tính phân tử nhỏ của GA cũng giúp chúng có thể tác động đến lớp trung bì để kích thích tăng sinh sản xuất collagen, mà không được nhắc đến ở salicylic acid.

Tương tự như salicylic acid, nồng độ càng cao và pH càng thấp thì hoạt động càng mạnh kèm theo hiện tượng bong tróc càng dữ dội. Các công thức dạng gel và cream có thời gian thẩm thấu chậm hơn và dễ kiểm soát kích ứng hơn. 

Glycolic Acid có trọng lượng phân tử nhỏ nhất trong nhóm α-HAs, do đó nó có thể  thâm nhập vào da dễ dàng hơn, đem đến hiệu quả tẩy da chết, hoạt động bề mặt rõ rệt hơn

a. Tẩy tế bào chết

Theo như chu kỳ sừng hoá, các tế bào sừng được đẩy lên lớp trên cùng của bề mặt thượng bì. Lúc này GA sẽ cắt những liên kết của tế bào sừng thông qua việc tấn công vào​ các kênh ion Ca2+ và đào thải chúng ra khỏi bề mặt da. GA còn thúc đẩy tăng sinh tế bào mới mà không tác động đến các tế bào khỏe mạnh khác trong quá trình hoạt động, đặc điểm này khá giống với SA.

b. Điều trị mụn và thâm mụn

Cũng chính nhờ vào việc cắt đứt các liên kết giữa các tế bào sừng và loại bỏ chúng  mà lỗ chân lông được thông thoáng hơn, giảm thiểu các vi khuẩn kỵ khí, trong đó có vi khuẩn gây mụn - P.acnes. 

Tuy nhiên, khả năng điều trị mụn của GA lại không mạnh mẽ bằng SA, nhưng bù lại GA có thể  ức chế hoạt động của Tyrosinase (một loại enzyme tham gia vào quá trình sản sinh melanin) và tái cấu trúc biểu bì, dẫn đến phân tán sắc tố nhanh hơn. Điều này mang lại hiệu quả khá cao trong cải thiện tăng sinh sắc tố sau viêm, đặc biệt là thâm mụn.

5. So sánh Salicylic acid và Glycolic acid

Xuyên suốt quá trình phân tích ở phía trên đã phần nào làm rõ sự khác biệt của 2 hoạt chất trên, nhưng để làm rõ hơn nữa tính ứng dụng của chúng thì chúng tôi sẽ phân tích hai nhận định dưới đây.

Lựa chọn loại hydroxy acid phù hợp với làn da sẽ giúp nền da nhanh chóng mịn mượt, giảm thiểu tình trạng sần sùi

Salicylic acid chỉ phù hợp với da dầu và glycolic acid chỉ phù hợp với da khô ?

Thật ra đây là một nhận định không sai, nhưng lại chưa đủ. SA là một tác nhân ưa lipid nên khá phù hợp với da dầu và GA có khả năng giữ nước nên phù hợp với da khô. Tuy nhiên da dầu vẫn có thể sử dụng GA để giảm tình trạng da dầu mất nước và tăng khả năng điều trị vết thâm sau mụn. Cũng như là da khô cũng có thể sử dụng SA để hỗ trợ cho việc tẩy tế bào chết sâu trong lỗ chân lông và ngăn ngừa mụn. Chỉ quan trọng là sự lựa chọn sản phẩm và kết cấu sản phẩm như thế nào để phù hợp với làn da của mình.

Salicylic acid thì có thể sử dụng buổi sáng còn glycolic acid thì không ?

Thật ra đây là một nhận định không hẳn là chính xác. Không bác bỏ việc SA không nhạy cảm với ánh sáng và có thể dùng buổi sáng còn GA thì nhạy cảm với ánh sáng nên không thể dùng buổi sáng. Thật ra, điều đó chỉ được kết luận trên làn da chưa được bao phủ bởi kem chống nắng. Bạn vẫn có thể sử dụng GA vào buổi sáng nếu bạn đảm bảo được việc thoa kem chống nắng đầy đủ mỗi ngày.

Thông qua các thông tin xuyên suốt, chúng ta bài đã phần nào hiểu rõ tính ứng dụng của hydroxy acid trong ngành y khoa da liễu nói chung, trong điều trị mụn và thâm mụn nói riêng. Điều trị mụn và thâm mụn cần sự kết hợp của nhiều hoạt chất để đem lại hiệp lực điều trị hiệu quả. Bạn vẫn có thể kết hợp cả 2 hoạt chất glycolic acid và salicylic acid trong cùng một chu trình chăm sóc da hàng ngày để có thể sở hữu được cả các ưu điểm mà chúng mang lại. Tuy vậy, người sử dụng cần tuân theo một số biện pháp phòng ngừa tiếp xúc với bức xạ tia cực tím để tránh gây nhạy cảm da trong suốt quá trình sử dụng.

 

 Sản phẩm gợi ý

1. Dung dịch tẩy da chết, làm sạch lỗ chân lông, kháng viêm Obagi Clenziderm MD Pore Therapy

2. Dung dịch tẩy da chết Nuderm Exfoderm Forte #4 

3. Kem dưỡng chống lão hoá, cấp ẩm cho da SUZANOBAGI Intensive Daily Repair Exfoliating and Hydrating Lotion

 

Tài liệu tham khảo

1. R. J. Yu and E.J. Van Scott, “Salicylic Acid: not a b-Hydroxy Acid,” Cosmetic Dermatology, vol. 10, article 27, 1997. 

2. Kornhauser, A., Coelho, S. G., & Hearing, V. J. (2012). Effects of cosmetic formulations containing hydroxyacids on sun-exposed skin: Current applications and future developments. Dermatology research and practice, 2012. 

3. Kornhauser, A., Coelho, S. G., & Hearing, V. J. (2010). Applications of hydroxy acids: classification, mechanisms, and photoactivity. Clinical, cosmetic and investigational dermatology: CCID, 3, 135. 

4. Van Scott EJ, Yu RJ. Control of keratinization with the α­­­-hydroxy acids and related compounds. Arch Dermatol. 1974¸110, 586 – 590. 

5. Tung, R., & Rubin, M. G. (2010). Procedures in cosmetic dermatology series: chemical peels E-book. Elsevier Health Sciences. 



 

LÀN DA NÀO PHÙ HỢP VỚI DAILY HYDRO-DROPS? LỢI ÍCH CỦA SỬ DỤNG DAILY HYDRO-DROPS HÀNG NGÀY

LÀN DA NÀO PHÙ HỢP VỚI DAILY HYDRO-DROPS? LỢI ÍCH CỦA SỬ DỤNG DAILY HYDRO-DROPS HÀNG NGÀY

Th 2 08/04/2024 4 phút đọc

1. Lợi ích của Niacinamide với làn da Niacinamide, còn được gọi là nicotinamide, là tiền chất của các đồng yếu tố quan trọng niacinamide adenosine dinucleotide... Đọc tiếp

KINETIN LÀ GÌ? LỢI ÍCH CỦA KINETIN VỚI LÀN DA

KINETIN LÀ GÌ? LỢI ÍCH CỦA KINETIN VỚI LÀN DA

CN 07/04/2024 6 phút đọc

Cùng với sự phát triển của dược mỹ phẩm, kiến thức cho việc sử dụng hoạt chất điều trị ngày càng được phổ biến. Kinetin trở... Đọc tiếp

CẨM NANG CHĂM SÓC DA AN TOÀN CHO MẸ BẦU

CẨM NANG CHĂM SÓC DA AN TOÀN CHO MẸ BẦU

CN 07/04/2024 6 phút đọc

Mang thai là thời kỳ phụ nữ chịu những thay đổi đáng kể về sinh lý, nội tiết tố, từ đó ảnh hưởng đến ngoại hình... Đọc tiếp

Toàn cảnh phương pháp điều trị nám được chuyên gia ứng dụng

Toàn cảnh phương pháp điều trị nám được chuyên gia ứng dụng

Th 5 07/03/2024 9 phút đọc

Nám da là tình trạng tăng sắc tố da phổ biến, thường xảy ra trên mặt, với tỷ lệ mắc cao hơn ở phụ nữ và... Đọc tiếp

Nội dung bài viết