Lợi hại khi điều trị mụn bằng peel da hóa học
Obagi Support Team
Th 6 14/05/2021
11 phút đọc
Nội dung bài viết
Mụn là một trong những bệnh lý da liễu phổ biến nhất với người Việt Nam. Trong điều trị mụn, thuốc bôi vẫn là ưu tiên số một, song các phương pháp xâm lấn và không xâm lấn khác vẫn thường được các bác sĩ da liễu kết hợp để đem đến hiệu quả điều trị toàn diện. Một trong những cách điều trị mụn hiệu quả nhất là sử dụng phương pháp chemical peel - có thể hiểu nôm na là thay da sinh học hoặc lột da hóa học - bằng cách sử dụng các hoạt chất hóa học với nồng độ cao. Ở đây, chúng ta hãy cùng khám phá những lợi ích của phương pháp này trong điều trị mụn nhé.
I. Nguyên nhân hình thành mụn:
Mụn là hậu quả của việc lỗ chân lông bị bít tắc do bã nhờn, bụi bẩn, tế bào da chết ứ đọng, tạo nên một chấm gồ lên dưới da mà ta hay gọi là mụn ẩn. Chúng khiến bề mặt da sần sùi và là tiền đề sinh ra mụn viêm sưng, tấy đỏ. Qua nghiên cứu, các bác sĩ da liễu đã xác định được mụn hình thành bởi các vấn đề sau:
Sự tăng tiết bã nhờn gây ra bởi hormone androgen. Loại androgen chính mà bạn thường nghe là testosterone. Mặc dù testosterone được biết đến là nội tiết tố nam nhưng ở nữ giới vẫn có, chỉ là ít hơn nam giới. Khi có sự thay đổi nội tiết trong cơ thể, testosterone lên xuống bất thường khiến da bị kích thích sản sinh ra nhiều dầu hơn gây bít tắc lỗ chân lông sinh ra mụn.
Bã nhờn gây bít tắc lỗ chân lông
Thông thường cơ thể chúng ta có cơ chế tự rụng tế bào chết nhưng do sự tăng sừng bất thường khiến lớp sừng ở ngoài cùng biểu bì dày lên, làm ống dẫn của tuyến bã nhờn bị ứ tắc, dầu thừa và tế bào chết quấn lấy nhau làm vách nang chân lông phình lên, gây nên mụn ẩn, mụn lẩn nhẩn.
Sự thâm nhập của vi khuẩn khiến mụn trở nên viêm nhiễm, sưng tấy. Thông thường, da chúng ta đã có sẵn một hệ vi sinh vô hại nhưng khi môi trường trên da có sự mất cân bằng, thường là do sản xuất bã nhờn dư thừa sẽ tạo điều kiện để khuẩn gây mụn P. acnes sinh sôi nảy nở. Ngoài ra những yếu tố như khói bụi, môi trường ô nhiễm cũng góp phần tạo cơ hội để vi sinh vật phát triển mạnh hơn. Các nang lỗ chân lông bị bít tắc trước đó dưới sự thâm nhập của vi khuẩn sẽ tạo thành mụn trứng cá, mụn mủ, mụn nang...
Ngoài viêm bởi vi khuẩn thì phơi nhiễm UV cũng là một yếu tố gây mụn và khiến tình trạng mụn nghiêm trọng hơn bởi vì nó khiến da dày sừng quang hóa, tăng tiết bã nhờn, kích viêm và khi da tổn thương bởi tia UV thì nguy cơ mụn để lại thâm, sẹo cũng lớn hơn.
Sự viêm nhiễm bởi vi khuẩn xâm nhập khiến mụn không viêm thành mụn viêm.
II. Peel trong điều trị mụn:
Như vậy, để điều trị và phòng ngừa mụn, chúng ta có thể tập trung vào các mục tiêu chính là: điều hòa quá trình sinh trưởng của lớp sừng, giải quyết tình trạng tăng tuyến bã nhờn và diệt khuẩn, kháng viêm. Hiện nay, chemical peel là một trong những phương pháp điều trị mụn tối ưu, mang lại hiệu quả tốt hơn các sản phẩm dạng bôi thông thường. Có 3 mức độ peel chính: bề mặt, nông và sâu.
Peel bề mặt: Trên lớp sừng của lớp biểu bì, hiệu quả cao đối với các trường hợp muốn trị mụn, giúp gom cồi, đẩy mụn ẩn, khô mụn viêm.
Peel da nông: Lột đến lớp cuối cùng sâu nhất của lớp biểu bì.
Peel da sâu : Tác động đến lớp hạ bì.
Các cấp độ peel da. Nguồn: A Beginner's Guide to Chemical Peels. Aegaen MD.
Chemical peel sử dụng các hoạt chất sau đây với nồng độ cao, hệ nền hỗ trợ để hoạt chất thấm sâu và hoạt động mạnh mẽ, tác động chuyên sâu lên cấu trúc da.
Salicylic acid (BHA): là hoạt chất 2-hydroxybenzoic acid, nồng độ phổ biến là 2% có tác dụng kháng viêm, tẩy thành lỗ chân lông, hòa tan bã nhờn nhưng tác dụng tẩy tế bào chết bề mặt không rõ rệt ở nồng độ này. Ở nồng độ 5 đến 30% là nồng độ thường thấy trong peel da, BHA giúp nới lỏng liên kết giữa các tế bào, trung hòa vi khuẩn, điều hòa quá trình sinh trưởng của lớp sừng. BHA trong peel da thẩm thấu vào da hiệu quả hơn nên vừa tẩy tế bào chết bề mặt vừa tác động vào sâu lỗ chân lông tới tuyến bã nhờn. Đồng thời peel BHA giúp da kiềm dầu và kháng viêm, qua đó giúp điều trị và phòng ngừa mụn.
Glycolic acid: là hoạt chất α-hydroxy acids (AHA) có nguồn gốc từ trái cây, có tác dụng tiêu sừng trên bề mặt hiệu quả. Glycolic acid tẩy tế bào chết nhờ vào việc làm giảm độ kết dính giữa các tế bào sừng, nới lỏng liên kết giữa chúng để chúng dễ dàng rụng đi hơn. Nhờ phân tử nhỏ nên glycolic acid có thể dễ dàng thẩm thấu và hoạt động mạnh mẽ hơn so với các hoạt chất cùng nhóm AHA, đồng thời việc này cũng khiến glycolic acid châm chích và dễ kích ứng hơn. Glycolic acid cũng đã được chứng minh là làm giảm viêm thông qua tác dụng diệt khuẩn, giải thích một phần lợi ích của nó trong cả mụn viêm và không viêm.
Lactic acid: Lactic acid là một hoạt chất α-hydroxy acids khác có nguồn gốc từ sữa, lactic acid vừa có khả năng tdc vừa có khả năng dưỡng ẩm tốt, kích cỡ phân tử to và là một phần tự thân da đã có (NMF) từ đó thân thiện với da và hạn chế kích ứng. Nhờ vào việc lấy đi lớp sừng bề mặt mà da trở nên thông thoáng, hạn chế bít tắc đồng thời việc giữ cho da ẩm cũng thúc đẩy quá trình bong đi lớp sừng, tái tạo lớp biểu bì mới tốt hơn. Peel da bằng lactic acid vừa hiệu quả vừa ít các tác dụng không mong muốn, đặc biệt trong vấn đề cải thiện sắc tố , giúp đều màu da thì lactic acid ưu việt hơn glycolic acid.
Mandelic acid: ưu điểm của mandelic là rất dịu nhẹ nhờ phân tử to nên chỉ hoạt động trên bề mặt da, giúp tẩy tế bào chết chết từ từ. Cũng như glycolic acid và lactic acid, nhờ việc lấy đi lớp tế bào chết và thúc đẩy quá trình thay da, tăng sinh collagen nên mandelic acid giúp tăng tốc chu kỳ da, làm dày lớp biểu bì, tạo tiền đề để da sửa chữa tổn thương và phục hồi. Ngoài ra, mandelic acid còn có khả năng tan trong dầu và kháng viêm như salicylic acid nên phù hợp để điều trị mụn.
Trichloroacetic acid (TCA): là một acid gây ra sự biến tính cho protein ở biểu bì và hạ bì, nhờ vào việc tạo nên những "tổn thương" trên da này sẽ kích thích quá trình sản sinh collagen, tái tạo da mới nên thường được áp dụng trong điều trị sẹo, rỗ.
Dung dịch Jessner: đây là một loại dung dịch bao gồm salicylic acid, resorcinol, lactic acid trong dung dịch ethanol 95%. Dung dịch này chủ yếu được khuyến cáo sử dụng trong điều trị tổn thương do phơi nhiễm UV (nếp nhăn nhỏ, dày sừng, đốm nâu) và các rối loạn sắc tố (thâm nám, tăng sắc tố).
III. Kì vọng thế nào khi trị mụn bằng lột da hóa học?
Chuẩn bị những kì vọng đúng đắn khi điều trị với lột da hóa học là điều rất quan trọng.
Để đạt được những lợi ích như trị mụn, kiềm viêm, cải thiện sắc tố, tăng tốc tái tạo da thì chăm sóc sau peel là một việc rất quan trọng. Ưu tiên hàng đầu sau peel đó là chống nắng. Khi lớp da chết với các tổn thương cũ được lột đi sẽ hiển lộ lớp da mới non hơn, chưa bị tia cực tím gây tổn hại, vì vậy chúng ta sẽ muốn tránh ánh nắng nhất có thể để bảo vệ da. Tất nhiên để làm được điều đó thì ngoài che chắn vật lý còn cần một kem chống nắng thực sự tốt với các màng lọc mạnh mẽ, bền vững để có thể chống nắng phổ rộng, bảo vệ da trước tác hại của tia UV.
Vì peel da là dùng các hoạt chất hóa học nên cũng không tránh khỏi các tác dụng không mong mong muốn, bao gồm kích ứng, khô da, mẩn đỏ, rát và bong tróc. Trước khi quyết định điều trị bằng chemical peel, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu. Đồng thời trong chu trình dưỡng da sau peel cần có những hoạt chất phục hồi da hiệu quả như vitamin B5, niacinamide, đồng peptide, chiết xuất rau má, urea...
Tóm lại, peel da vừa điều trị triệu chứng của mụn đồng thời cũng có khả năng ngừa mụn. Nhưng peel da không thôi là chưa đủ, để mụn không bị tái phát thì một chu trình dưỡng da hợp lý và bảo vệ da da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời là cần thiết. Việc tẩy trang, làm sạch da, tẩy tế bào chết làm thông thoáng lỗ chân lông kết hợp việc sử dụng các sản phẩm giúp kiềm dầu, điều hòa tuyến bã nhờn sẽ có thể hạn chế sự bít tắc nang lỗ chân lông gây mụn. Ngoài ra chế độ dinh dưỡng và lối sinh hoạt lành mạnh cũng góp phần quan trọng trong việc điều trị và ngừa mụn. Nếu hiện tại bạn đang gặp các vấn đề như lỗ chân lông to, da xỉn màu, da không đều màu hay bị mụn dai dẳng thì peel da là một phương pháp hợp lý mà bạn có thể chọn.
SẢN PHẨM GỢI Ý
Bộ peel da tại nhà Obagi Clinical Blue Brilliance Triple Acid Peel
Bộ peel da chuyên nghiệp Obagi Blue Peel Radiance Kit
TÀI LIỆU THAM KHẢO
David E Castillo and Jonette E Keri (2018). Chemical peels in the treatment of acne: patient selection and perspectives https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6053170/
Rumi Gayen, Indrashis Podder, Indranil Chakraborty, and Satyendra Nath Chowdhury (2021). Sex Hormones, Metabolic Status, and Obesity in Female Patients with Acne Vulgaris Along with Clinical Correlation: An Observational Cross-Sectional Study. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8061487/